Nhà xuất bản NXB Văn Học
Ngày xuất bản 30/08/2015
Nhà phát hành Quảng Văn
Kích thước 13.5 x 20.5 cm
Số trang 136 trang
Trọng lượng 250 gram
Tác giả : Tạ Hà Như Bình
Tôi Mang Thai Đứa Con Của Chị Gái "Những bản thảo của tôi thường được gõ ra với nước mắt. Khi đọc đến những dòng cuối cùng, bạn đọc sẽ nhận ra rằng, cuộc sống chưa bao giờ là hoàn hảo. Song, tôi tin chúng ta lại thực sự sống hơn vì những điều không hoàn hảo đó. Và mong rằng, bạn sẽ thấy, sau cùng những con chữ của tôi là tình yêu và hy vọng. Khóc và viết vì trái tim biết yêu, biết thành thật - không phải vì sự bi lụy đớn hèn." (Tạ Hà Như Bình)
Là một trong 5 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm, Tôi Mang Thai Đứa Con Của Chị Gái của Tạ Hà Như Bình là câu chuyện kể về quãng đời của ba chị em gái nhà nghèo. Ba chị em nương tựa, bao bọc cho nhau từ lúc thiếu thời mồ côi cả cha mẹ đến khi trưởng thành lập gia đình. Họ thành công, có cuộc sống ổn thỏa là thành quả đáp đền cho sự nỗ lực. Điều duy nhất không viên mãn là việc chị hai không thể sinh con và cần người mang thai hộ. Cuốn sách như một hành trình muôn màu của cuộc sống hiện đại. Ở đó người ta bắt gặp những sóng gió nối tiếp, sự bình yên chưa được bao lâu lại có những khó khăn, trắc trở khác ập tới.
Sau tất cả, người ta hiểu ra rằng, hạnh phúc mong manh trong gia đình chỉ có thể giữ gìn bằng tình yêu thương, sự vị tha và thấu hiểu. Trích đoạn “Dường như tôi đang bị đẩy dần về phía đáy vực như cái lần tôi cố gắng mà không giữ được đứa con đầu tiên của mình. Nhưng tôi tin, ngày mai, ngày kia thôi, với tình yêu của chồng và gia đình, tôi sẽ lại từ từ đi lên đỉnh cao của hạnh phúc. Nếu cuộc đời không cho tôi được như ý muốn, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui thực sự. Bởi, việc sinh con thay chị Hai, có lẽ, là điều thiêng liêng nhất mà tôi đã làm được trong kiếp sống này.”
Tôi Mang Thai Đứa Con Của Chị Gái
Truyện gây ấn tượng mạnh cho độc giả ngay từ cái tên. Một vấn đề nhạy cảm, nhưng rất thực tế và thời sự. Vấn đề này được tác giả “thai nghén” từ trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình chính thức cho phép mang thai hộ. Một cái nhìn nhân văn giàu tình thương. Khát khao làm mẹ luôn luôn là một khát khao chính đáng và đáng được trân trọng.
Về ngôn từ, tác phẩm không có nhiều điểm nổi trội. Không hoa mĩ, cũng không có những câu văn lạ, sự dí dỏm “không có mặt”, mà sự bi lụy cũng dường như không tồn tại. Truyện như đời, mà đời như truyện, cứ thế thầm nhuần trong từng câu chữ để chạm đến trái tim độc giả.
Tôi tin chắc một điều, sẽ có nhiều người phụ nữ rơi nước mắt khi đọc đến các tình huống khó xử mà câu chuyện đặt ra.
3 người phụ nữ - 3 số phận
Câu chuyện xoay xung quanh tình yêu và cuộc sống của ba chị em gái nghèo với nhiều sự không may mắn.
Nhà có ba chị em gái, bố mẹ họ qua đời trong một tai nạn lao động. Người chị cả vừa làm cha, lại làm mẹ, tần tảo sớm hôm để nuôi nấng các em lên người. Cô không lên cao, không dám yêu ai dù rất nhiều người theo đuổi vì sợ mình đi lấy chồng, không có ai nuôi các em. Cứ thế thời gian trôi qua, vèo cái cô là gái 30 - cái tuổi đã quá lứa lỡ thì ở miền quê nghèo khó. Thông qua người mai mối, cô cả cũng lấy được chồng, một người đàn ông góa vợ, con vừa mới qua đời, bản thân anh vừa ở viện tâm thần về. Cuộc sống dường như thật không công bằng với những người hiền lành, chân thật và tử tế. Nhưng bằng tình yêu thương và sự nhẫn nại, người chị cả đã giúp chồng trở về trạng thái bình thường để làm người đàn ông trụ cột của gia đình.
Người chị thứ hai bị tật ở chân. Ở làng quê, cô bị soi mói, kỳ thị. Cô làm việc ngày đêm nuôi em gái út ăn học, chẳng dám mơ đến niềm hạnh phúc riêng. Không biết là may hay rủi, ở tuổi 35, cô gái tật nguyền cũng được lên xe hoa cùng một người đàn ông tuổi 40. Cả hai đều đã qua cái tuổi xuân xanh. Họ rất nâng niu và quý trọng hai chữ gia đình, ra sức vun đắp cho nó. Tuy nhiên, họ lấy nhau mãi mà không có con. Vượt qua sự dị nghị của hàng xóm, vượt qua nỗi sợ hãi, mặc cảm của bản thân họ khăn gói từ quê ra Hà Nội thuê nhà trọ để thụ tinh nhân tạo, bắt đầu một hành trình gian nan “tìm con”.
Thất bại hết lần này đến lần khác, cứ đi rồi lại về, hy vọng, rồi lại thất vọng, rồi lại hy vọng tràn trề để rồi thất vọng đắng cay. Đến lần thứ 5 thì họ cũng đạt được ước nguyện nhưng thật không may đứa bé không ở lại lâu cùng người đàn bà “khát con”. Đó là đớn đau khôn cùng với cô chị hai, nhưng cũng chính nỗi đau này là khởi nguồn cho niềm hạnh phúc vỡ òa sau này khi cô em út quyết định mang thai hộ chị gái.
Cô em út xinh xắn nhất nhà, được học hành tử tế. Nhưng điều đó không có nghĩa cô là sướng nhất nhà.
Ở tuổi 25 xinh đẹp, cô có thai với người yêu vốn là con trai của thầy giáo dạy cô. Khi biết tin người yêu có thai, cậu bạn trai đã khuyên cô “bỏ” con. Cậu lên đường sang Mĩ du học để trốn tránh trách nhiệm, cô em út ở lại với quyết định làm mẹ đơn thân. Nhưng không may cô bị sảy thai. Mơ ước được nghe thấy tiếng trẻ bi bô đã không thành sự thật. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng đã mỉm cười trở lại khi cô lấy được người chồng tử tế, người biết rõ quá khứ của cô nhưng vẫn yêu thương hết mực.
Hạnh phúc không tự dưng mà có
Ba chị em gái bao bọc nhau từ nhỏ. Họ đã vươn lên sống mạnh mẽ và tử tế mặc dù không có cha mẹ ở bên dạy dỗ và dìu dắt. Ngay cả khi đã trưởng thành, họ vẫn giữ vững sợi dây tình cảm gia đình bền chặt.
Người chị cả và em gái út cùng quyết định mang thai hộ người chị hai bị tật nguyền không có khả năng mang thai. Nhưng cuối cùng phần việc khó khăn này đã thuộc về cô út vì cô trẻ hơn cô cả, việc mang thai sẽ an toàn hơn.
Quyết định mang thai hộ không chỉ là một quyết định khó khăn với chính người trong cuộc, thuyết phục chồng và bố mẹ chồng đồng ý còn khó khăn hơn nhiều. Và mặc dù, cô thuyết phục được họ, họ đã chấp nhận việc cô hoãn mang thai đứa con thứ hai của chính mình để mang thai hộ chị gái nhưng ở đâu đó, những rạn nứt mơ hồ, những nỗi buồn chông chênh đã bắt đầu nhen nhóm trong gia đình nhỏ ấm áp của cô.
Gần đến ngày sinh thì cô út phát hiện ra chồng mình có người đàn bà khác. Anh đổ cho việc mình có quan hệ ngoài luồng chính vì cô đang mang thai đứa con của chị gái. Cô vô cùng đau đớn khi một việc làm cao đẹp và đem đến hạnh phúc cho người này lại có thể là nỗi bất hạnh cho người khác và là cái cớ cho một hành động sai trái.
Cuộc sống mà, có ai nắm tay nhau cả ngày. Yêu thương nồng nàn, da diết, rồi vẫn có lúc làm tổn thương nhau…
Phát hiện ra sự thật đau lòng đã khiến cô em út sinh sớm.
Đọc đến đây, độc giả vô cùng hồi hộp, lo lắng. Họ tò mò không biết đứa trẻ ấy có ra đời khỏe mạnh không? Hạnh phúc sẽ tiếp tục chơi trò “ú tim” với ba chị em gái họ hay mỉm cười “nở hoa”?
Sau nửa tháng ở trong lồng kính, đứa trẻ khỏe mạnh được về nhà. Đó là một bé trai kháu khỉnh và vô cùng may mắn vì có tới hai người mẹ cùng yêu thương và lo lắng cho mình.
Còn cô út, để quay trở lại cuộc sống như xưa thật không dễ dàng chút nào. Cô đã phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý để có thể cân bằng cảm xúc và suy nghĩ về cuộc sống một cách tích cực hơn.
Nỗi đau nỗi rồi cũng sẽ qua. Thời gian rồi sẽ dần xóa nhòa tất cả. Nếu chúng ta cứ ôm mãi một nỗi đau cũ thì vết thương lòng sẽ chỉ nặng trĩu thêm mà thôi. Tha thứ cho người khác, điều đầu tiên là vì chính bản thân ta, chứ không phải vì người cần được tha thứ, bởi nó sẽ giúp bạn thanh thản để có thể tiếp tục yêu và sống một cách tích cực.
Như tác giả viết trong phần cuối của cuốn sách “cuộc đời không đẩy ai vào đường cùng nếu chúng ta thực sự có niềm tin và quyết tâm tìm ra con đường”.
Cuộc sống này không có ai bất hạnh hay đau khổ cả đời, hạnh phúc luôn ở đâu đó, đến sớm hay muộn do “tắc đường” chút xíu mà thôi. Hãy kiên nhẫn và đừng bao giờ từ bỏ hy vong!